Ngày 23/12/2020, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Phát triển Dự án, đại diện cho Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam đã tham dự “Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam (lần thứ Nhất) và Tổng kết bình chọn Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam năm 2020” do Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Phát triển dự án TTVN Group (thứ 4 từ phải sang)
Tham gia phần thảo luận về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách trong phát triển các dự án nguồn điện sạch tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh đã trình bày báo cáo tóm tắt của Tập đoàn Trường Thành Việt Nam với nội dung chính như sau:
Qua kinh nghiệm 8 năm hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình, đặc biệt là từ thực tiễn gần 5 năm triển khai các dự án năng lượng tái tạo, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam nhận thấy: trong rất nhiều các yếu tố chủ quan, khách quan có ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của việc phát triển và đầu tư thực hiện dự án có một yếu tố có ảnh hưởng mang tính bao trùm là vấn đề: CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ. Một chính sách tốt, một cơ chế hợp lý, sát với thực tiễn, đảm bảo được hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Một chính sách bất cập, thiếu tính ổn định, một cơ chế bất hợp lý sẽ tạo ra những nút thắt, những khó khăn mà doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức để tháo gỡ hoặc không thể tháo gỡ được, rất dễ làm cho các nhà đầu tư do dự hoặc thậm chí nản lòng, đồng thời tạo ra những kẽ hở cho tệ cửa quyền, tham nhũng len lỏi vào…
Cũng như bất kỳ nhà đầu tư nào khác ở trong và ngoài nước, điều làm chúng tôi lo ngại nhất là sự không ổn định, không rõ ràng và sự chậm khắc phục những điểm bất hợp lý, điểm trống trong cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo, đơn cử như vấn đề giá điện mặt trời đã phải mất cả năm trời nhưng vẫn chưa đưa ra được phương án đấu thầu cụ thể để xác định giá bán điện mặt trời như thế nào, khiến cho toàn bộ các dự án nhà máy điện mặt trời đang được phát triển phải dừng lại để chờ đợi; hoặc sự bất hợp lý trong việc thu tiền sử dụng khu vực biển đối với các dự án điện gió trên biển đã được nhiều doanh nghiệp và cả các cơ quan chức năng ở địa phương kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét lại nhưng cho đến nay vẫn chìm trong im lặng.
Nghị quyết 55-NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành vào đầu năm nay, trong đó có nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”, “Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; công khai quy hoạch, danh mục các dự án đầu tư, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng”… là những định hướng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu được thực hiện tốt sẽ tạo ra động lực lớn cho sự phát triển của hệ thống năng lượng quốc gia nói chung và hệ thống điện năng lượng tái tạo nói riêng, nhưng để Nghị quyết 55 đi vào cuộc sống thì đòi hỏi nó phải được thể chế hóa bằng những chính sách, cơ chế cụ thể, mà trên thực tế thì từ khi Nghị quyết được ban hành đến nay vẫn chưa thấy có “chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá” mới nào được ban hành theo như tinh thần của Nghị quyết 55 và cũng chưa rõ đến bao giờ những chính sách, cơ chế này mới được ban hành.
Ngoài những trở ngại mang tính vĩ mô kể trên, trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo, các chủ đầu tư thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khác liên quan đến việc tiếp cận vốn vay, nguy cơ bị cắt giảm công suất phát, các thủ tục về đất đai còn rườm rà, phức tạp và đặc biệt là bất hợp lý trong việc áp dụng chính sách đối với các dự án điện gió trên biển, cụ thể:
– Các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam khi ký hợp đồng mua bán điện theo hợp đồng mẫu do Bộ Công thương ban hành đều phải cam kết giảm công suất phát theo lệnh điều độ. Điều kiện này khiến các ngân hàng rất e dè xem xét khoản vốn vay bởi vì cho rằng việc giảm công suất không có ngưỡng dừng, các doanh nghiệp không bảo đảm được tài sản cũng như tính hiệu quả để tiến hành cho vay. Trong các năm tới, khi giá điện mặt trời tuân theo cơ chế đấu thầu thì cả giá bán, sản lượng điện sẽ là biến số, dẫn tới khó khăn hơn nữa trong tiếp cận vốn vay.
– Các dự án năng lượng tái tạo phát triển quá nhanh trong thời gian vừa qua đã gây ra các điểm nghẽn về truyền tải, nguyên nhân chính là quy hoạch và phát triển hệ thống truyền tải chưa đồng bộ và theo kịp với tốc độ phát triển các dự án nguồn năng lượng tái tạo. Điều này làm giảm khả năng cung cấp nguồn, giảm lòng tin và động lực của các nhà đầu tư. Giải pháp để giải quyết vấn đề này theo chúng tôi đáng ra phải là tăng cường đầu tư để nâng cấp, mở rộng hệ thống truyền tải (kể cả huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân) thì trên thực tế đang xảy ra điều ngược lại: các nhà máy điện phải giảm công suất phát điện do đường truyền dẫn bị quá tải, điển hình như đối với một số nhà máy điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận…Chúng tôi rất vui mừng trước thông tin vừa qua lần đầu tiên trong lịch sử ngành năng lượng Việt Nam một doanh nghiệp tư nhân là Tập đoàn Trung Nam đã được đầu tư hạ tầng truyền tải năng lượng với Dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và hy vọng rằng đây không phải là một ngoại lệ, mà cánh cửa sẽ mở rộng đối với các doanh nghiệp tư nhân khác có đủ năng lực muốn đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
– Việc giải quyết các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng luôn là điểm tắc nghẽn khiến cho hầu hết các dự án đều bị chậm tiến độ. Lợi dụng quy định của Nhà nước về việc chủ đầu tư phải thương lượng với dân, hầu hết các chủ đất (trong đó có nhiều trường hợp thực chất là cò đất đã mua lại đất để trục lợi) đều đưa ra mức giá đòi bồi thường phi lý, cao hơn gấp nhiều lần so với mặt bằng giá thực tế tại địa phương, đồng thời luôn tìm cách trì hoãn làm việc với bộ phận trực tiếp giải quyết vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng để gây sức ép với chủ đầu tư. Bên cạnh đó, các thủ tục liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án năng lượng tái tạo cũng còn nhiều vướng mắc: điển hình như dự án Nhà máy điện mặt trời Bình Nguyên (Quảng Ngãi): mặc dù đã thực hiện đền bù giải tỏa mặt bằng với chi phí cao, đã đi vào vận hành thương mại gần 2 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp vẫn chưa thể vay vốn ngân hàng.
– Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề cập cụ thể hơn về sự chưa rõ ràng và xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau có liên quan đến các dự án điện gió trên biển, dẫn đến bất hợp lý trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với loại dự án nói trên, cụ thể:
+ Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Điểm 6, Mục I, Phần A, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì sản xuất điện gió và điện mặt trời đều nằm trong Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhưng việc các dự án điện gió triển khai trên khu vực biển vẫn không được hưởng chính sách miễn, giảm tiền thuê khu vực biển, tiền sử dụng khu vực biển như đối với các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất liền được miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, trong khi suất đầu tư cho dự án điện gió trên biển cao hơn nhiều, rủi ro, hao mòn thiết bị cũng lớn hơn nhiều so với trên đất liền là bất hợp lý. Việc không áp dụng chính sách miễn giảm giá thuê khu vực biển đối với dự án điện gió còn xung đột với Quyết định số 37/2012/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại VN, theo đó xác định rõ “Đối tượng điều chỉnh của Quyết định này gồm các tổ chức tham gia các hoạt động điện lực có liên quan đến phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam” không phân biệt các dự án đó nằm trên đất liền hay trên khu vực biển.
+ Theo Điểm C Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển có quyền quyết định giao khu vực biển trong phạm vi vùng biển 03 hải lý, nhưng Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại giới hạn quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển ở việc quyết định giao, cho thuê, thu hồi đất có mặt nước ven biển, như vậy có sự mâu thuẫn giữa quy định của một văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý thấp hơn với quy định của một văn bản QPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn, chưa kể cho đến nay vẫn chưa có văn bản QPPL nào đưa ra khái niệm chính thức thế nào là đất có mặt nước ven biển và liệu đất có mặt nước ven biển có trùng với khu vực biển trong phạm vi vùng biển 03 hải lý hay không?
+ Trong Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự phân biệt giữa khu vực biển từ 3 hải lý trở vào với khu vực biển từ 3 hải lý trở ra để áp dụng theo 2 luật khác nhau và giao thẩm quyền cho 2 cơ quan khác nhau xem xét quyết định. Theo Điểm C Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ và Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển quyết định giao khu vực biển trong phạm vi vùng biển 03 hải lý trở vào theo quy định của Luật Đất đai, còn khu vực biển từ 03 hải lý trở ra tính từ đường mép nước biển thấp nhất tính trung bình nhiều năm thì thẩm quyền cho thuê mặt biển thực hiện theo quy định của pháp luật về biển, do vậy, đối với khu vực biển 3 hải lý do UBND cấp tỉnh giao theo quy định của Luật Đất đai thì cũng nên áp dụng chính sách giao, cho thuê như đối với đất liền.
+ Coi việc triển khai các dự án điện gió trên biển là hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển để từ đó áp dụng chính sách đối với loại dự án này như đối với các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên biển khác theo chúng tôi là không hợp lý vì theo khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ thì “Khu vực biển” chỉ bao gồm “khối nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”, có nghĩa là chỉ những gì được lấy ra từ khối nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mới có thể coi là khai thác, sử dụng tài nguyên biển, còn các turbin gió tuy đặt trên đáy biển nhưng lại sử dụng gió ở trên không, không phải là tài nguyên biển, cũng giống như việc tàu thuyền chỉ qua lại trên biển thì không thể gọi là hoạt động khai thác tài nguyên biển được.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 55-NQ-TW của Bộ Chính trị, chúng tôi đề nghị các cơ quan, ban, ngành chức năng ở trung ương và địa phương quan tâm lắng nghe hơn nữa, thấu hiểu hơn nữa các kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sớm nghiên cứu, đề xuất lên các cấp có thẩm quyền ban hành những cơ chế, chính sách mới có tính đột phá theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ; hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho doanh nghiệp trong quá trình tiến hành các thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện dự án, trước mắt đề nghị xem xét kéo dài thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT đối với các dự án điện năng lượng tái tạo; ban hành các tài liệu hướng dẫn, Quy chuẩn kỹ thuật các công trình điện gió trên biển nhằm tính toán, xác định một cách hợp lý và tối ưu diện tích sử dụng và hành lang an toàn đối với các công trình xây dựng nói chung và trụ tuabin điện gió, đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước.
Tại Diễn đàn, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã công bố Bảng xếp hạng TOP 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam 2020, trong đó Tập đoàn Trường Thành Việt Nam lần thứ 2 kể từ năm 2019 được xếp đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng.