Ngày 3/8/2020 trong chuyên mục Toàn cảnh năng lượng xanh miền Trung – Tây Nguyên, báo Đầu tư đã đăng bài viết của tác giả Bình Minh mang tựa đề “Trường Thành Việt Nam: Cú “hat trick” điện mặt trời tại miền Trung”. Dưới đây là tóm tắt nội dung chính của bài báo:
LẦN LƯỢT CHINH PHỤC ĐIỆN MẶT TRỜI
Đầu tháng 6/2019. Tập Đoàn Trường Thành Việt Nam và Sersang Power Corporation (Thái Lan) đưa vào hoạt động Dự án Điện mặt trời Bình Nguyên công suất gần 50 MW tại Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư 1.138 tỉ đồng.
Sự kiện này được ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá là “đặt nền móng khẳng định Quảng Ngãi có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo”. Chính vì vậy, ông Bình đề xuất luôn nhà đầu tư nghiên cứu mở rộng đầu tư và vận dụng có hiệu quả, bền vững nguồn năng lượng mặt trời để đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
“Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Công ty CP Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi tiếp tục hoạt động, lớn mạnh và phát triển, ông Bình nói.
Từ Quảng Ngãi, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam tiến quân vào Bình Định đầu tư Dự án Điện mặt trời Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Dự án tiên phong tại Bình Định cũng đã đi vào khai thác từ tháng 6/2019. Nếu như Điện mặt trời Bình Nguyên là sự hợp tác giữa Tập đoàn Trường Thành Việt Nam với Sermsang Power Corporation, thì Dự án Điện mặt trời Cát Hiệp là cuộc “se duyên” giữa Tập đoàn, Trường Thành Việt Nam với Tập đoàn Quadran International (Pháp). Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.139 tỷ đồng, sản lượng điện năng 76.500 MW/năm đã cụ thể hóa hy vọng của ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, theo đó “Dự án đi vào hoạt động là tiền đề để phát triển cho những nhà máy điện mặt trời trong toàn tỉnh”.
“Bình Định có tiềm năng về điện mặt trời, sản lượng điện sạch từ năng lượng mặt trời khi hòa lưới góp phần tăng thêm Công suất cho lưới điện quốc gia, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng thu ngân sách cho địa phương ông Hồ Quốc Dũng ghi nhận.
Chưa dừng lại ở Bình Định, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam cũng là người đánh thức tiềm năng điện mặt trời tại Phú Yên với Dự án Điện mặt trời Hòa Hội. Dự án này được liên danh với Tập đoàn B. Grimm của Thái Lan, vốn đầu tư 4.985 tỷ đồng đã đánh dấu dự án quy mô lớn thứ 3 trên cả nước với tổng diện tích khoảng 256 ha, Công suất thiết kế là 257 MW.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, Dự án Điện mặt trời Hòa Hội là cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển nguồn năng lượng mới của Phú Yên. Việc ưu tiên sử dụng năng lượng sạch thay thế các nguồn năng lượng truyền thống sẽ góp phần giảm thiểu tốc độ ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hoàn tất cả “ăn ba” tại miền Trung với tổng công suất 357 MWp đã đưa Tập đoàn Trường Thành Việt Nam trở thành một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chiếm gần 8% thị phần phát điện tái tạo của cả nước. Kế hoạch tiếp theo, Tập đoàn Trường Thành Việt Nam lại đang tiếp tục dấn thân vào năng lượng tái tạo với các dự án điện gió và điện mặt trời trên mái, mục tiêu phát triển khoảng 100 MW điện gió và 30 – 40 MW điện áp mái trong giai đoạn từ nay đến năm 2021. Kế hoạch này nằm trong chiến lược tổng thể của Tập đoàn Trường Thành Việt Nam trong thời gian tới là sẽ tiếp tục triển khai đầu tư hàng ngàn MW điện gió và điện mặt trời; song song với đó là hợp tác cùng đối tác có kinh nghiệm và năng lực triển khai dự án LNG… Để thực hiện được các kế hoạch này, đại diện Tập đoàn Trường Thành Việt Nam cho biết “Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương trong quá trình phát triển và thực hiện đầu tư các dự án”.
SE DUYÊN VỚI NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI
Khai thác năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển… đang là xu hướng chung trên thế giới, ngày càng trở nên cấp bách và thu hút sự quan tâm của các chính phủ và của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực tài chính và vận hành. Nhận diện được điều này,Tập đoàn Trường Thành Việt Nam “se duyên” với những tập đoàn lớn đến từ Thái Lan, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật Bản… trong phát triển, đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Điều này giúp cho Tập đoàn Trường Thành Việt Nam không những nâng cao uy tín, vị thế ở thị trường trong nước, mà còn được nhiều nhà đầu tư quốc tế biết đến, đặt vấn đề thiết lập quan hệ đối tác. Đó là điều kiện thuận lợi để Tập đoàn hướng tới mục tiêu vươn tầm khu vực.
